Ứng dụng kéo giãn cột sống bằng máy hiện đại - Bệnh viện Phước Hải

Thứ ba - 08/12/2020 03:57 872 0
Ứng dụng kéo giãn cột sống bằng máy hiện đại - Bệnh viện Phước Hải
Ứng dụng kéo giãn cột sống bằng máy hiện đại - Bệnh viện Phước Hải
Ứng dụng kéo giãn cột sống bằng máy hiện đại - Bệnh viện Phước Hải
ỨNG DỤNG KÉO GIÃN CỘT SỐNG BẰNG MÁY HIỆN ĐẠI TẠI KHOA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG BỆNH VIỆN PHƯỚC HẢI
Với phương châm phục vụ tốt nhất bệnh nhân khi có thể, với việc trang bị máy móc hiện đại Khoa phục hồi chức năng bệnh viện Phước Hải trang bị máy kéo cột sống thế hệ mới đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh lý cột sống nhất là cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
Kéo giãn cột sống là phương pháp dùng 1 lực để kéo giãn cột sống hay một đoạn cột sống với mục đích giảm đau, thư giãn cơ, điều chỉnh rối loạn trong một số bệnh về cột sống. Kéo giãn cột sống bằng máy dựa trên nguyên lý cơ học có điều chỉnh kéo, chế độ,‎thời gian theo yêu cầu lên cột sống‎:
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng máy kéo giãn cột sống tại bệnh viện Phước Hải

Tác dụng cơ học:
  • Làm giãn cơ tích cực: trong bệnh lý đau cột sống, sự kích thích rễ thần kinh và đau làm cơ co cứng phản xạ, sự co cứng co tác động trở lại làm cho đau càng trầm trọng hơn. Kéo giãn cột sống trước tiên lực sẽ tác động lên cơ gây giãn cơ thụ động, giảm co cứng cơ và cắt đứt vòng xoáy bệnh lý đau. Tuy nhiên nếu khi kéo nếu tăng giảm lực quá nhanh có thể gây kích thích làm tăng co cơ, do đó cần tăng giảm lực từ từ đặc biệt là trong bệnh lý đau cấp.
  • Làm giảm áp lực nội đĩa đệm: lực kéo giãn dọc theo cột sống sẽ tác động vào nhiều điểm khác nhau của đoạn cột sống làm các khoang đốt được giãn rộng và có thể cao thêm trung bình 1,1mm, làm áp lực nội đĩa đệm giảm, và dẫn đến hệ quả là:‎
  • Làm tăng thẩm thấu nuôi dưỡng đĩa đệm, giúp nhân nhày và đĩa đệm căng phồng trở lại, tăng dinh dưỡng cho đĩa đệm do đó làm giảm quá trình thoái hóa của đĩa đệm.
  • Có thể giúp thu nhỏ thể tích đĩa đệm bị lồi hoặc thoát vị nếu khối thoát vị chưa bị xơ hóa.‎Tuy nhiên cần chú ý nếu kéo với lực quá lớn, thời gian quá dài làm áp lực nội đĩa đệm giảm quá nhiều dẫn đến tăng thẩm thấu dich vào đĩa đệm có thể gây phù nề đĩa đệm làm đau tăng.
  • Điều chỉnh sai lệch của khớp đốt sống và cột sống: trong thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm do chiều cao khoang gian đốt giảm làm di lệch diện khớp đốt sống. Sự di lệch này tuy nhỏ nhưng nó sẽ thúc đẩy quá trính thoái hóa và kích thích gây đau tăng lên. Kéo giãn cột sống làm điều chỉnh di lệch, tăng tính linh hoạt của khớp đốt sống và giải phóng sự khóa cứng của các khớp đốt sống.
  • Giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh sống: do làm tăng kích thước lỗ tiếp hợp, giảm thể tích khối thoát vị… từ đó làm giảm kích thích rễ và giảm đau.
  • Kéo căng bao khớp và dây chằng
  • Tạo sự phối hợp giữa kéo và trượt trên bề mặt khớp
  • Tạo điều kiện cho chỗ lồi của đĩa đệm trở về vị trí sinh lý bình thường
Tác dụng điều trị:
  • Giảm đau: do làm giãn cơ, giảm áp lực nội đĩa đệm làm tăng cường nuôi dưỡng đĩa đệm, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, tăng nuôi dưỡng cục bộ.‎Tăng tầm vận động của đoạn cột sống bị hạn chế, khôi phục lại hình dáng giải phẫu bình thường của cột sống.‎Tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ.
  • Đối với Thoát vị đĩa đệm cột sống: kéo giãn cột sống với 1 lực đủ mạnh giúp làm giảm áp suất bên trong khoang đĩa và làm phẳng chỗ lồi của đĩa đệm.
  • Đối với Hẹp lỗ liên hợp đốt sống: lỗ liên hợp đốt sống là nơi chui qua của các rễ dây thần kinh ngoại biên, khi bị chèn ép triệu chứng rễ tăng lên, với 1 lực kéo đủ mạnh giúp mở rộng lỗ gian đốt sống làm giảm chèn ép rễ.
  • Thư giãn cơ: kéo giãn giúp phản xạ co cơ bị ức chế, cơ được thư giãn và giảm co thắt.
Các phương pháp kéo giãn:
  • Kéo liên tục hay kéo tĩnh
  • Kéo ngắt quãng hay gián đoạn
  • Kéo điều hòa
  • Kéo giãn bằng tay
  • Kéo giãn bằng tư thế
  • Kéo giãn bằng trọng lực
Chỉ định và chống chỉ định kéo cốt sống bằng máy
Chỉ định
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng và cột sống cổ.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và cột sống cổ mức độ nhẹ và vừa.
  • Hội chứng đau thắt lưng mạn tính.
  • Hội chứng đau cổ – gáy hoặc hội chứng cổ – vai mạn tính.
  • Hội chứng cong vẹo cột sống không cấu trúc.
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối:
  • Một số bệnh vùng cột sống như ung thư, lao, viêm tấy, áp xe vùng thắt lưng, vùng cổ gáy.
  • Hội chứng đau thắt lưng, đau cột sống cổ cấp tính.
  • Chấn thương gây gãy, xẹp lún, trượt thân đốt sống.
  • Bệnh lý tủy sống và ống sống.
  • Loãng xương mức độ nặng.
  • Thoái hóa cột sống có các gai xương lớn.
  • Viêm cột sống dính khớp.
  • Hội chứng cột sống thắt lưng, cột sống cổ do viêm khớp dạng thấp.
  • Bệnh nhân có tạng trong ổ bụng to (gan, lách, thận, người có thai) không kéo giãn cột sống thắt lưng.
Chống chỉ định tương đối:
  • Bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận nặng hoặc tình trạng toàn thân nặng.
  • Bệnh nhân đang sốt, tăng huyết áp không kiểm soát được.
  • Trẻ em, bệnh nhân tâm thần.
Các bước thực hiện kéo cột sống
Người thực hiện: Bác sỹ chuyên khoa Phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu‎
Đối với Bệnh nhân:
  • Giải thích cho bệnh nhân yên tâm và thư giãn hoàn toàn trong thời gian kéo.
  • Chọn tư thế ngồi hoặc nằm ( ngữa hay sấp )theo chỉ định kéo giãn cột sống cổ hay cột sống thắt lưng.
Phương tiện
  • Máy kéo giãn cột sống, hệ thống bàn kéo và các phụ kiện khác như đai kéo, đai cố định.
  • Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy.

Kỹ thuật điều trị
  • Cố định đai kéo tùy vùng điều trị theo đúng chỉ định.
  • Đặt các thông số trên máy tùy theo chỉ định: lực kéo, thời gian duy trì lực kéo, lực nền, thời gian duy trì lực nền, độ dốc, tổng thời gian một lần kéo.
  • Đối với kéo giãn cột sống thắt lưng: lực kéo bằng ½-2/3 trọng lượng cơ thể bệnh nhân, lực nền bằng ½ trọng lượng lực kéo, các lần kéo sau mỗi lần tăng 1kg khi đạt 2/3 trọng lượng cơ thể bệnh nhân thì duy trì ở lực này cho đến hết đợt kéo. Thời gian duy trì lực nền và lực kéo <60s (trung bình 30 – 50s). Độ dốc (thời gian tăng giảm lực giữa lực nền và lực kéo) để ở mức trung bình, nếu đau nhiều thì thay đổi lực chậm hơn, nếu ít đau có thể thay đổi lực nhanh hơn. Thời gian một lần kéo trung bình 20-30 phút.
  • Đối với kéo giãn cột sống cổ: lực kéo 1/8-1/6 trọng lượng cơ thể bệnh nhân, lực nền bằng ½ lực kéo, các thông số khác như với kéo cột sống thắt lưng.
  • Bấm nút kéo.
  • Theo dõi cảm giác và phản ứng của bệnh nhân trong quá trình kéo, tình trạng hoạt động của máy.
  • Kết thúc điều trị: tháo bỏ đai cố định, cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ 10 – 15 phút, ghi chép hồ sơ.
Dự phòng:
  • Kiểm tra cẩn thận phương tiện kéo giãn trước khi kéo.
  • Cố định đai kéo phù hợp với vùng điều trị.
  • Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong thời gian kéo.
  • Phải cho bệnh nhân nằm nghỉ 10 – 15 phút tại giường sau kéo.

Khoa phục hồi chức năng bệnh viện Phước Hải chuyên điều trị các bệnh lý thần kinh sau đột quỵ, các bệnh lý cơ xương khớp và tác động đến bệnh cảnh cột sống bằng máy kéo dãn ngoài ra còn trang bị các máy móc hiện đại như:  máy sóng ngắn, siêu âm, điện từ trường,  điện xung, điện phân dẫn thuốc…. Khoa phục hồi chức năng bệnh viện Phước Hải mong muốn mang đến điều kiện chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân. Khoa phục hồi chức năng bệnh viện Phước Hải tin tưởng với phương châm điều trị áp dụng các loại máy mới, kỹ thuật hiện đại mà vẫn đảm bảo an toàn và hiệu quả dài lâu cho người bệnh giúp tăng cường sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây